Danh sách Blog của Tôi

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Thành Hà Nội thời Alexandre de Rhodes

Trước 1627 

Thành phố Hà Nội ngày nay, là khu đất có dân cư từ đời tiền lịch sử, tức là từ trước đời Việt Nam lập quốc. Biết vậy, song thời ấy sử sách không có, nên không thể tra cứu rõ hơn về vị trí, danh hiệu và sự quan hệ của địa điểm ấy về đời thái cổ.

Chỉ biết rằng, về đời nước ta thuộc quyền cai trị nhà Hán bên Tàu, thì Hà Nội là đất huyện Mê Linh, thuộc quận Giao Chỉ. Và từ đấy Hà Nội đã là một nơi thủ đô, vì dinh Thái Thú lập ở đó. Thời ấy Hà Nội là huyện Long Biên. Đời thuộc Tùy, thủ phủ Giao chỉ vẫn ở Hà Nội. Đến đời thuộc Đường, Long Biên là phủ lỵ, phủ Đô Hộ. Quan Đô Hộ nhà Đường là Trương Bá Nghi đắp thành lũy quanh phủ Đô Hộ gọi là thành Đại La. Hai quan Đường kế vị sau là Triệu Xương và Lý Nguyên Gia lần lượt tiếp tục sửa sang thêm.

Nhưng quy mô có lẽ chưa được rộng lớn cho lắm. Nên năm 866 quan Tiết độ sứ nhà là Cao Biền phá đi xây lại theo một quy mô khác, vĩ đại, kiên cố hơn.
Thành Đại La của Cao Biền chu vi đo được 1982 trượng 5 thước, đường thành cao hai trượng sáu thước, chân thành rộng hai trượng chín thước, thật gần giống quy mô Vạn Lý Trường Thành ở Tàu.

Thành trì kiên cố, đồ sộ như vậy chưa đủ. Vì nước sông Hồng Hà thường trào lên ngập cả chân thành. Cao Biền liền sai đắp quanh thành một con đê dài 2125 trượng để ngăn nước lụt.

Đến đời Ngũ Quỷ, vua Tiền Lý, Nam Việt Đế tức là Lý Bý (hoặc Lý Bân) đánh đuổi quan thứ sử nhà Lương, đóng đô ở Đại La, lúc ấy cải gọi là thành Long Biên.

Vua Triệu Việt Vương húy Quang Phục cũng đánh tan quân Lương, giữ thành Long Biên làm kinh đô.

Mai Hắc Đế cũng đóng đô ở Long Biên, sau bị quân Đường sang đánh chiếm mất.

Năm 791 ông Phùng Hưng tức Bố Cái Đại Vương đem quân vây phủ Đô Hộ, quan Đô Hộ nhà Đường là Cao Chính Bình lo sợ quá mà chết. Bố Cái Đại Vương liền đem quân giữ thành Long Biên.

Vua Đinh Tiên Hoàng người quán đất Hoa Lư, nên thiên đô về nơi phát tích là Hoa Lư.

Lần thứ nhất, Long Biên mất ngôi thủ phủ.

Sau khi nhà Đinh và nhà Tiền Lê mất, Lý Công Uẩn lên ngôi vua tức là Lý Thái Tổ về đóng đô ở Hoa Lư.

Sau thấy Hoa Lư chật hẹp, không thể mở mang cho phồn thịnh hơn được, nhà vua liền dời đô về thành Đại La, và cải gọi là thành Thăng Long.

Nhà Lý mất về nhà Trần, kinh đô vẫn không đổi chủ. Song đến hồi Trần Mạt, Hồ Quý Ly chấp chính quyền hành định xây thành Tây Giai ở Thanh Hóa, có ý muốn thiên đô vào đó, nên cải gọi Thăng Long làm Đông Đô đối với Tây Đô (là tên thành Tây Giai).

Nhà Hồ mất về nhà Minh.

Thành Đông Đô (tức Thăng Long) người Minh đổi tên là thành Đông Quan.
Sau 10 năm bình định, vua Lê Thái Tổ lên ngôi, đổi Đông Đô ra làm Đông Kinh.
(Chữ Tonkin tức là do chữ Đông Kinh này mà ra vậy).

Thành Đông Kinh là Kinh Đô nước ta cho đến hết đời vua Lê và đời chúa Trịnh.
Khi vua Gia Long thống nhất thiên hạ, dựng nên đế nghiệp thì ngài đóng đô ở Phú Xuân tức là Kinh Đô Huế ngày nay. Năm Gia Long thứ bốn có dự cải tên thành Đông Kinh là thành Thăng Long là tên cũ có từ đời Lý. Từ đời Nguyễn trở đi, Thăng Long không là đế đô, nhưng vẫn là thủ phủ Bắc Thành. Tới nay, cải gọi là Hà Nội, Thăng Long cũng vẫn là một nơi thủ phủ của chính phủ Bảo Hộ.

Trải qua bao nhiêu triều vua chúa, đời nào Thăng Long cũng được sửa sang, thêm bớt không thể phân biệt được đời nào xây những bộ phận nào nữa.
Theo bản đồ thành Thăng Long đời Hồng Đức (Lê) thì phía đông thành khởi từ làng Đức Môn, tổng Đồng Xuân (tức phía cửa Đông) bắc đến sông Tô Lịch (nay là phố sông Tô Lịch) tây đối với Nhật Chiến (nay là Nhật Tân) nam đến Văn Miếu. Ở trong cùng là cung thất có cung điện nhà vua, ở giữa là hoàng thành, ở ngoài cùng là thành phố có các phố buôn bán và công nghệ.
Các nhà truyền giáo và thương mại Tây phương hồi thế kỷ thứ 17, tả cảnh, kinh đô nhà Lê, đều gọi cái tên nôm là Kẻ chợ (Chacho).
Kẻ chợ 

Theo những bản đồ hồi xưa còn để lại thì Hà Nội lúc đó không phải là một thành phố hẳn mà chỉ là một nơi đô hội gồm có một chốn kinh đô có thành cao, hào sâu bao bọc quanh những dinh thự, đền đài của nhà vua, một thị trấn thương mại có nhiều đường phố chật hẹp mà hai bên bờ phần nhiều là những nhà gianh lụp xụp có rất ít nhà gạch chen vào và nhiều làng mạc ở liền nhau trên những hồ ao lớn nhỏ. Kinh đô nhà vua ở trong một khu hình như rộng hơn khu mà ngày nay ta gọi là khu trong thành nhiều, gồm có cung điện nhà vua với rất nhiều phụ thuộc vào đấy cùng dinh thự các thượng quan trong triều. Còn khu thị trấn buôn bán dân gian rất đông đúc thì ở vào khoảng giữa từ thành nhà vua cho đến bờ sông Nhị Hà. Ngoài những làng ở rải rác giữa một khoảng đất có nhiều hồ ao và ruộng nương trong khu Đại la thành mà xung quanh nhiều chỗ có thành đất là một ngôi thành xây lên từ thế kỷ thứ chín, người ta lại thấy có nhiều khu xung quanh bao bọc bằng tường cao như khu văn Miếu, khu Trường Thi, khu Trường Tiền và rất nhiều đền chùa nhiều ngôi khá lớn. Những di tích ở Hà Nội về thời kỳ đó nay không còn mấy nữa, trong những di tích đó ngày nay chỉ còn có nhà Văn Miếu là con bảo tồn được nguyên vẹn, còn những thành quách, lâu đài, dinh thự và đền chùa khác thì nơi chỉ còn một mảnh, nơi đã biến hết nhường chỗ cho những dãy nhà, những biệt thự tối tân hoặc những công viên rộng rãi. Cái quang cảnh của Kẻ chợ ngày xưa họa chăng thì còn lại ở trong khối óc các nhà khảo cổ hoặc trên những bản đồ, bức vẽ lưu lại trong các viện bảo tàng! Nay ta theo các tài liệu thử làm sống lại cái cảnh Hà Nội hồi hơn 300 năm về trước. Ngày xưa muốn đến Kẻ chợ thì phần nhiều đi đường thủy do sông Nhị Hà. Các thuyền manh của người Tàu, người Xiêm thì thường hay do kênh đào Nam Định hoặc kênh đào Phủ Lý mà vào các thị trấn Bắc kỳ còn các tàu bè của người Bồ-đào-nha, Hà Lan hoặc Anh thì lại do cửa Vạn Úc hoặc do cửa Thái Bình mà tiến vào. Người Hà Lan thường hay cho tàu đậu, ngang làng Tiên Lãng, còn các tàu Anh thì lại đi ngược lên độ ba dặm nữa và lập ở đấy một làng có nhiều dân cư đến ở. Một nhà hàng hải Anh đã từng vẽ bản đồ cửa con sông Bắc kỳ (rivière du Tunquin) tuy không được đúng như các bản đồ ngày nay nhưng cũng rất rõ ràng và các sông ngòi từ Kẻ chợ cho ra đến bể đều có vẽ rõ, nhưng hình như những người ngoại quốc đến nước ta hồi đó không ai phân biệt rõ là miền trung châu Bắc kỳ do hai triều sông lập thành: triều sông Nhị Hà và triều sông Thái Bình nên trên các bản đồ hồ đó không thấy vẽ rõ.

Theo như lời Samuel Baron trong cuốn “Description du rogaume du Tonkin” thì Kẻ chợ về diện tích có thể so với nhiều thị trấn ở Âu châu, và lại đông dân hơn nhiều thị trấn đó, nhất là trong hai ngày mồng một và rằm mỗi tháng là ngày phiên chợ, dân các vùng lân cận và cả ở các miền xa các tỉnh đều đến để mua bán. Các đường phố hồi đó tuy phần nhiều nhỏ hẹp nhưng cũng có phố rộng rãi mà đến các ngày phiên chợ cũng khó lòng mà chen chân đi lại được. Mỗi phố bán riêng một thứ hàng hóa gì và ai muốn mua thứ đó thì phải đến đó mới có. Thường mỗi phố lại chia làm hai ba khu, mỗi khu do người cùng làng làm cùng một nghề ở chẳng khác gì các nghiệp đoàn thợ ở các thị trấn Âu châu ngày xưa. Người ta vẫn nói Hà Nội cổ có 36 phố phường nhưng thực thì theo các bản đồ Hà Nội ngày xưa để lại thì hình như hồi đầu thế kỷ 17 chỉ có một ít phố chính như hàng Đào, hàng Gạo, hàng Chiếu, hàng Buồm, hàng Bạc, hàng Bè, hàng Tre, cầu Gỗ. Ở bờ sông thì có cửa hàng của người Hà Lan, người Anh, chuồng voi, kho súng đạn của nhà vua, Tế kỳ đạo vv… Sông Tô Lịch hồi đó chảy phía sau thành ngang với phố Quan Thánh, phố Carnot ngày nay rồi do chỗ ngõ Gạch bây giờ (giữa hàng Chiếu, hàng Buồm) mà chảy vào sông Cái.

Các dinh thự của nhà vua, của các võ tướng, các văn quan và các công môn đều chiếm những khoảng đất rộng.
Dinh thự của nhà nước phần nhiều làm bằng gỗ. Còn nhà cửa của dân gian ngòai phố phường thì toàn bằng phên tre và lợp gianh, rất ít thấy nhà gạch, chỉ trừ các cửa hàng của người ngọai quốc nên những nhà này nổi bật hẳn lên. Thành cổ ở quanh hoàng cung có ba lớp tường xây kiên cố, có những cửa vào lát bằng đá hoa có vẻ rất vĩ đại. Hoàng cung chu vi độ từ 6 đến 7 dặm, các cửa ngõ dinh thự và sân đều có vẻ rất nguy nga tráng lệ.

Trong cuốn “Guides Madrolle, Indochine du Nord” có nói lâu đài đó chắc là một lâu đài về thời kỳ nội thuộc Tàu còn lại.
Trong thành có trại lính rất rộng và kho tàng của nhà vua. Sông Nhị Hà là con đường giao thông tiện lợi nhất của chốn kinh đô với các miền trong xứ và tất cả các sản vật, hàng hóa ở các miền trong nước đều do rất nhiều thuyền bè chở đến.
Khu hoàng cung

Khu Hoàng cung về hồi cuối Lê hiện nay không còn di tích gì có thể dựa vào đó để khảo cứu. Khu hoàng cung hồi đó mà người ta cho là khu trong thành ngày nay chắc cũng không được đúng. Theo những thư từ của các giáo sĩ vẽ hồi đó thì Kẻ chợ là một thị trấn (marché) như cảm tưởng của Baron và cố Amaral đã nói trong một bức thư gửi từ Kẻ chợ năm 1638. Trong bức thư này có nói: “Kẻ chợ giống như là nơi tạm đóng của một nhà vua luôn luôn phải dự vào chiến tranh, khi có cuộc phiến loạn thì thành bị thiêu đốt đến lúc thái bình lại xây dựng lại”. Vì thế mà các lâu đài không xây bằng đá cho được bền vững đời đời mà chỉ làm bằng gạch hoặc nhiều hơn nữa bằng gỗ. Và trong thành chỉ là cung vua Lê, còn phủ chúa Trịnh thì lại ở ngọai thành (có nhà cho là ở khu cuối đường Roliandes gần cửa Nam ngày nay). Theo một bức thư của cố Baidinotti viết ngày 12/11/1626 thì “kinh đô không có thành và pháo đài. Nhà cửa thì trừ Hoàng cung lợp ngói và xây bằng đá trạm trổ công phu phần nhiều đều làm bằng tre”.

Ngày 2/7/1627 cố Alexandre de Rhodes mới đến Hà Nội thì được một nhà buôn hiệu là Mậu Tài dành cho một ngôi nhà gạch để ở và tiếp khách cùng giảng đạo. Vì nhà đó hẹp quá nên các cố đạo xin với Chúa Trịnh Tráng để ở nơi khác, chúa định làm một các nhà ngay trong thành cho các cố đạo ở, nhưng vì ở trong thành thì ít người dám vào không tiện cho việc giảng đạo nên các cố đạo từ chối. Chúa lại thể lòng các giáo sĩ làm một tòa nhà gạch ở gần thành để làm trụ sở cho các giáo sĩ. Tòa nhà này một nửa đổi làm nhà thờ có lẽ ở vào phía trên bờ sông Tô Lịch trong khu từ thành đến các phố buôn bán.
Khu các phố buôn bán

Theo lời cố Baldinotti năm 1626 thì “các nhà cửa ở Kẻ chợ phần nhiều đều lợp tranh và không có cửa sổ. Trong thành phố có những hồ, ao lớn nên khi có hỏa họan thì dễ dập tắt được. Có nạn hỏa tai thiêu hết đến 5, 6 ngàn nóc nhà nhưng sau đó độ 4, 5 hôm thì lại làm lại cả rồi”.

Tuy vậy nhà cửa Annam hồi đó, theo lời M. Giuron đã nghiên cứu kỹ về vấn đề này, cũng là những ngôi nhà xây dựng một cách cẩn thận và có mỹ thuật.
“Đó là những ngôi nhà vững bền, truyền từ đời này sang đời khác chứ không phải là những túp lều. Trong các nhà Annnam người ta thấy rõ một kiểu mẫu và các ý muốn xây dựng một cái gì bền vững và dễ coi”.

Theo như thiếu tá Rivière đã viết và đã thuật lại trong cuốn “Hanoi pendant la période héroique” của Masson thì “ở phía Đông và Đông Nam hoàng thành, một khu rất yên tĩnh và như ngủ say ở sau những bức tường cao kiên cố khu các phố buôn bán lại khác hẳn là nơi đô hội rất tấp nập, lộn xộn, ồn ào, khu này là một hình tam giác mà bề dài dựa vào hồ Gươm và hai cạnh dựa vào sông Nhị Hà và Hoàng thành”.

Về quang cảnh các đường phố ở khu buôn bán thì ta hãy đọc đọan sau này: “các phố không lát gạch hoặc đá. Cứ hễ giời hơi mưa xuống thì ngoài đường đầy những bùn lầy sâu hàng mấy tấc lẫn với những rác bẩn mà các nhà hàng phố đổ ra ngay giữa đường. Các nhà ở bên đường phố thì lớn nhỏ không đều và cái thụt vào cái nhô ra nên trông phố chẳng khác gì những cạnh góc liên tiếp nhau.

Mái nhà gianh sà xuống rất thấp và phía cửa trông ra đường thường chỉ là một cái rèm ngày chống đêm sập. Dưới cái rèm che mưa nắng đó, các nàh buôn đã bày hàng ngồi bán”.

Khu buôn bán ở Hà Nội ngày xưa, lại có tường gạch hoặc rào nứa tre ngăn làm nhiều khu nhỏ hơn đêm đến có cửa đóng, trời tối thì không thể đi từ phố này sang phố khác được. Trong các đường phố hẹp hòi, bẩn thỉu và quanh co đó ngày thường đã rất đông, đến ngày phiên chợ thì lại đông gấp đôi.
Ở Kẻ chợ hồi đó có ba cái nhà thờ nhỏ của đạo Gia-tô trong các phố buôn bán. Cố Alexandre de Rhodes ở Hà Nội hai lần: lần thứ nhất từ 2/7/1627 cho đến cuối tháng 3/1629 và lần thứ hai từ 11/1629 đến 5/1630, tất cả 18 tháng. Hồi cuối 3/1629 cố A. de Rhodes cùng với cố Marquès bị Trịnh Tráng trục xuất và phải đi thuyền của chúa cấp cho do đường thủy vào tạm ẩn ở Hàm Rồng là nơi của hai nhà giáo sĩ đã đi qua hai năm về trước và tạm lập một nơi giảng đạo. Hai cố ở đây 8 tháng rồi lại cùng mấy người Bồ-đào-nha nữa trở ra Kẻ chợ. Đến 5/1630, cố Alexandre de Rhodes và cố Marquès lại bị trục xuất lần thứ hai khỏi xứ Bắc kỳ và sau đó cố de Rhodes không có dịp trở lại Kẻ chợ nữa.

Sau 10 năm ở Tàu, đến 2/1640, cố de Rhodes lại trở lại Nam kỳ, ở dưới quyền chúa Nguyễn hồi đó là Cung Thượng Vương. Ở được 5 năm, đến 1645, cố de Rhodes bị kết án tử hình rồi lại được chúa Nguyễn ân xá và đến 3/7/1645 thì bị trục xuất. Từ đó, cố de Rhodes không bao giờ lại nước Nam là nơi tuy phải từ giã nhưng lòng cố thì bao giờ cũng vẫn nghĩ tới.

Đến 1651, cố de Rhodes về La Mã đã xuất bản nhiều sách vở về nước Nam nhất là hai cuốn “Histoire du royaume du Tonquin” và “Divers voyages” ngoài cuốn sách kinh xuất bản bằng Quốc ngữ và chữ La tinh. Ta xét qua quang cảnh Hà Nội về hồi đầu thế kỷ 17, hơn 300 năm về trước thì ta thấy rõ rằng về hồi đó vua Lê thì không có quyền, chúa Trịnh lại luôn luôn bận về việc đánh nhau với chúa Nguyễn ở bên kia dãy núi Hoành sơn nên không có thời giờ nghĩ đến việc các công cuộc tô điểm cho chốn kinh đô. Vì thế mà Hà Nội trải hơn 200 năm từ lúc cố de Rhodes bắt đầu sang tới Bắc kỳ 1627 cho đến lúc quân Pháp chinh phục đất Bắc (1873-1883) không những vẫn nguyên quang cảnh cũ, mà nhiều đền đài dinh thự về triều Lê sang đến triều Nguyễn lại còn bị tàn phá thêm là khác.

Chúng ta là những kẻ hậu sinh mỗi khi đi qua các khu Hà thành mà nay còn lưu lại những di tích hoặc những kỷ niệm về thời xưa như Văn Miếu, Tháp Báo Thiên, Chùa Quan Thánh, vv… ai là người không phải động lòng hoài cổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét