Danh sách Blog của Tôi

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2010

POPs 2 (PCB)

2, PCB (Poly Chlorinated Biphenyl)
PCB là hợp chất ưa mỡ, có khả năng gây ung thư nên đây là hợp chất rất độc, thậm chí khi nó chỉ ở một hàm lượng rất nhỏ. Vì vậy, việc loại bỏ, hạn chế và thậm chí cấm sử dụng hợp chất PCB là điều hết sức cần thiết. Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Dự án quản lý hợp chất PCB (PoliCloBiphenyl) tại Việt Nam.
Năm 2002, Chính phủ Việt Nam đã tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy POP (PCB là một trong 21 hợp chất thuộc POP).
PCB là một hợp chất có rất nhiều ưu điểm, rất dễ sản xuất, rất bền, giá thành rẻ, đặc điểm, tính năng tốt. Chính vì vậy, thế giới đã sử dụng PCB từ rất lâu. Nếu đánh giá về mặt hiệu quả thì bất cứ hợp chất nào thay thế PCB đều không hiệu quả bằng. Nhưng đổi lại thì việc loại bỏ PCB lại cho lợi ích rất lớn về mặt môi trường, cũng như đảm bảo được sức khỏe của con người. Bởi vì gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được PCB là một chất cực độc. Như vậy, việc loại bỏ sự dụng hợp chất PCB có thể bất lợi về mặt kinh tế, nhưng lại rất có lợi về mặt sức khỏe và môi trường.
Trước đây người ta dùng PCB như là một chất để chống truyền nhiệt trong các phương tiện điện. Ngay cả các loại máy móc cơ cũng dùng PCB bởi vì đặc tính của PCB là tính truyền nhiệt kém và tính trơ rất cao, nhưng về cơ bản trên thế giới không dùng PCB trong các sản phẩm nữa. Hiện nay, ngành điện lực cũng chú trọng nhập những chất thay thế hợp chất PCB từ nhiều nước khác trên thế giới và các thiết bị nhập vào thuộc đời sau này sẽ không còn hoặc còn rất ít hàm lượng hợp chất PCB.
Trên thế giới có rất nhiều chất đang gây ô nhiễm MT. Trong số đó có 12 nhóm chất hữu cơ đặc biệt nguy hại với môi trường. 9 trong số đó là các loại thuốc trừ sâu, 1 là chất dùng trong Công nghiệp (PCB) và 2 nhóm chất sinh ra ngoài ý muốn (PCDD và PCDF). Chúng được gọi chung là "Các hợp chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy" - viết tắt là POPs.
Điểm đáng chú ý là ở nồng độ nhỏ chúng cũng có khả năng gây ung thư. Chúng có khả năng phát tán hàng nghìn km so với nguồn thải. Con ng đã từng sản xuất ở các thuốc trừ sâu dạng POP và PCB với khối lượng lớn, trước khi biết tác hại của chúng. 
Chúng bền vững trong môi trường, thời gian bán hủy từ vài năm đến hơn 100 năm tùy vào điều kiện MT.
Khái niệm PCB : là một hợp chất hữu cơ có tên là PolyChlorinated Biphenyl.
Các PCB trong tự nhiên có chu kỳ bán huỷ hàng trăm năm (rất bền, bền hơn cả DDT). PCB là nhóm hợp chất mà trong phân tử của chúng chứa 2 nhóm phenyl được clohoá, được phát hiện trong chuỗi thức ăn liên quan đến các thuỷ vực (sông, hồ) như trong bùn lắng, cây cỏ, sinh vật phù du, cá, động vật thân mềm, các loài chim sống quanh thuỷ vực và lẽ dĩ nhiên ở cả các mô mỡ của những người có sử dụng tôm, cá làm thực phẩm trong bữa ăn.

Các nhà khoa học cho biết, hàm lượng clo (Cl) trong PCB càng cao thì hợp chất càng độc. PCB ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gan và có khả năng gây ung thư.
Để phân huỷ các PCB người ta phải nung vật liệu chứa PCB đến nhiệt độ cao, trên 1200oC. Tuy nhiên khi nung, PCB có thể bốc theo khói, đồng thời có thể chuyển hóa thành các chất độc khác.Phương pháp này vừa tốn kém, vừa mất công lại không an toàn. Do đó, ngày nay họ dùng phương pháp mới gọi là phân giải hóa học cơ khí. Người ta dùng lực cơ khí để làm cho phản ứng xảy ra, cụ thế là dùng những hạt sắt để đập vỡ các chất độc và biến chúng thành chất hoàn toàn không độc hại 
Các ứng dụng của PCB:
- Chất lỏng cách điện trong biến thế và tụ điện
- Chất làm mát trong việc truyền nhiệt năng
- Chất dung môi trong mực làm giấy than copy
- Dầu bôi trơn
- Keo gián
- Chất xúc tác trong công nghiệp hóa chất
- Phụ gia trong sơn
- Chất phủ bề mặt
- Phụ gia trong sơn
Qua trên chúng ta có thể thấy PCB có rất nhiều ứng dụng. Vì vậy , lượng phát thải hàng năm trên thế giới cũng như ở Việt Nam cũng sẽ rất lớn.
Hiện trạng PCB tại VN
Tại nước ta hiện còn lưu một khối lượng khá lớn các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy (POPs) tích tụ tập trung hoặc phân tán trong môi trường đất, đặc biệt từ thời kỳ chiến tranh. Ở một số nơi, người dân đã phải lên tiếng cầu cứu vì bị ảnh hưởng qúa nặng nề về sức khoẻ và môi trường sống. Trong khi đó, các nhà khoa học và quản lý vẫn đang loay hoay với các dự án thí điểm để tìm ra công nghệ tối ưu giải quyết bài toán về xử lý các chất POP trên diện rộng.
Theo các số liệu đã công bố, Việt Nam còn khối lượng dầu có chứa PCB có thể lên tới 19.000 tấn, chủ yếu từ các máy biến thế điện kiểu cũ. Tổng lượng chất thải nguy hại ước tính năm 2003 là 160.000 tấn mỗi năm, trong đó 130.000 tấn từ các chất thải công nghiệp, 21.000 tấn từ các chất thải y tế của các bệnh viện, trạm xá và viện điều dưỡng, và 8.600 tấn từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một số vùng có dư lượng các chất dioxin và furans ở trong đất do hậu quả của việc sử dụng tới 72 triệu lít thuốc diệt cỏ trong thời kỳ chiến tranh 1961-1971. Việt Nam đã và đang sử dụng khoảng 300 loại thuốc trừ sâu, 200 loại thuốc trừ bệnh, gần 150 loại thuốc trừ cỏ, 6 loại thuốc diệt chuột và 23 loại thuốc kích thích sinh trưởng cây trồng. Các hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV) này nhiều về cả số lượng và chủng loại, trong đó có một số loại thuộc danh mục cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tồn đọng hết hạn sử dụng. 

Các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân huỷ (POPs) sử dụng cho nông nghiệp chủ yếu là DDT và HCB, hiện nằm rải rác ở các kho địa phương chờ được xử lý, còn trong công nghiệp phần lớn là PCB, trong các lĩnh vực như: Dầu biến thế và tụ điện công suất cao, chất lỏng truyền nhiệt và hệ thống thủy lực, chế tạo dầu bôi trơn và dầu cắt gọt, chất hoá dẻo cho sơn, dung môi cho mực in của giấy copy không chứa các bon, chất kết dính, chất chống bắt cháy và chất dẻo. Mãi đến những năm 80, người ta mới phát hiện tính bền vững và độc tính nguy hại của PCB đối với môi trường và con người, sau đó hạn chế và dần cấm sử dụng. 
Chất độc quân sự do Mỹ sử dụng tại chiến trường Việt Nam trước đây gồm ba loại chất chính: chất da cam, chất xanh và chất trắng. Trong đó, chất da cam là chất cực độc, có độc tính cao gấp trăm nghìn lần loại hoá chất môi trường độc nhất và hiện còn tồn tại một lượng lớn trong môi trường đất tại các điểm nóng thuộc 3 sân bay: Đà Nẵng, Biên Hoà và Phù Cát. 
Về mặt quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 29/1998/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV và hóa chất độc hại gây ô nhiễm, khó phân huỷ, trong đó nghiêm cấm việc sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các loại thuốc BVTV và các chất POP nguy hiểm trong danh mục cấm sử dụng, đồng thời thu gom và tiêu huỷ các chất này theo đúng quy trình, công nghệ xử lý chất thải nguy hại, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, xử lý ô nhiễm môi trường do các kho thuốc BVTV cũ gây ra. 
Bộ Khoa học công nghệ, Cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã phối hợp với Tổ chức hỗ trợ nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học thuộc trường Đại học tổng hợp kỹ thuật Na Uy tiến hành điều tra và kiểm kê ban đầu để tư vấn cho Chính phủ về công nghệ xử lý, tiêu huỷ lượng POPs tồn đọng này.
Giải pháp xử lý PCB tồn dư.
Vấn đề giải quyết các chất độc POPs tồn đọng là bài toán vô cùng nan giải đối với các nhà khoa học và các nhà quản lý trong nước. Trên thế giới có rất nhiều công nghệ đã được áp dụng tại các quốc gia, trong số đó có 9 công nghệ, theo tổng kết đánh giá của UNEP, là mang tính thân thiện môi trường và giá thành hợp lý hơn cả, đó là: sử dụng lò đốt đặc chủng, lò đốt xi măng, khử bằng hoá chất pha hơi, khử bằng chất xúc tác, khử bằng kiềm, ôxi hoá điện hoá trung gian , ôxi hoá muối nóng chảy, ôxi hoá siêu tới hạn và Plasma. 
Ở nước ta cũng đã có một số mô hình thí điểm hoặc đã được triển khai. Trong hội thảo “Giới thiệu và tham vấn lựa chọn công nghệ xử lý hoá chất POPs tồn lưu tại Việt Nam” diễn ra ngày 09/08/2007, do Cục Môi trường tổ chức, đã có 4 mô hình công nghệ được giới thiệu. Đó là các công nghệ: sử dụng lò thiêu đốt nhiệt độ thấp (Trung tâm công nghệ xử lý môi trường - Bộ tư lênh Hoá học), sử dụng lò đốt xi măng nhiệt độ cao (Công ty Holchim thí điểm tại Hòn Chông), sử dụng lò đốt 2 cấp có can thiệp làm lạnh cưỡng bức (Công ty Môi trường Xanh thực hiện tại các khu công nghiệp) và Công nghệ phân huỷ sinh học (Viện Công nghệ Sinh học phối hợp một số đơn vị khác thực hiện). 
Tuy có nhiều mô hình được đưa ra, nhưng quyết định mô hình nào là phù hợp nhất cho việc xử lý các chất POPs tại Việt Nam vừa có thể triển khai hiệu quả trong điều kiện kinh tế trong nước mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây phát tán chất độc điôxin, furan hay các chất độc hại khác ra môi trường cho đến nay vẫn chưa tìm ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã nhất trí cao rằng cần sử dụng kết hợp nhiều công nghệ đồng thời mới có thể giải quyết vấn đề. 
Điều quan trọng trước mắt là cần xác định được bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ và có được kết quả điều tra cơ bản về số lượng cũng như sự phân bố, mức độ phân tán của các chất POPs tại các địa phương. Trên cơ sở đó, kết hợp với những nghiên cứu và đánh giá sâu về các công nghệ hiện tại và đặt trong điều kiện thực tế của nước ta, mới hy vọng tìm ra được câu trả lời tối ưu về xử lý POPs.
Kế hoạch Quốc gia xử lý chất ô nhiễm khó phân huỷ
KH quốc gia về Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ vừa được Thủ tướng CP phê duyệt tại QĐ 184. Đến nay, Việt Nam đã cấm sử dụng 9/12 thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là các chất hữu cơ độc hại. 
Tham gia công ước này, Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý an toàn hóa chất, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ. Đồng thời, phòng ngừa, kiểm soát và xử lý an toàn đối với các chất này; tiến tới kiểm soát, xử lý và tiêu hủy hoàn toàn các kho thuốc BVTV - những hóa chất rất độc hại đã bị loại bỏ, còn tồn lưu vào năm 2010.
Kế hoạch trên cũng nhằm xử lý triệt để các khu vực nóng về ô nhiễm thuốc BVTV và Dioxins từ chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Ngoài ra, lượng PCBs (Polychlorinated Biphenyles) phát thải vào môi trường cũng được giảm thiểu; phấn đấu loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028. Giảm thiểu liên tục lượng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ hình thành không chủ định (Dioxins và Furans). 
Trong 12 chất hoặc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại (POPs), gồm Aldrin, Chlordane, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Hexachlorobenzenne, Mirex, Toxaphene, DDT, PCB, Dioxins và Furans, đến thời điểm này, nước ta đã cấm sử dụng 9 loại thuốc BVTV là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng PCB. 
Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (viết tắt tiếng Anh là POPs -persistent Organic Pollutants) là các hóa chất rất độc hại, tồn tại bền vững trong môi trường và rất khó phân hủy. Chúng có khả năng phát tán rộng và tích tụ sinh học cao trong các mô của sinh vật, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người (gây ra các bệnh về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen...), đa dạng sinh học và môi trường sống. 
Công ước Stockholm chính thức có hiệu lực kể từ ngày 14/ 5/2004. Công ước nhằm bảo vệ cuộc sống và môi trường thiên nhiên - đặc biệt cho người nghèo và các nước nghèo - bằng cách cấm sản xuất và sử dụng một số các chất hoá học độc hại, đặc biệt là Polychlorinated Biphenyls (PCBs), dioxins, furans, và 9 loại thuốc trừ sâu rất độc hại. Công ước cũng yêu cầu xử lý triệt để những địa điểm tàng trữ thuốc trừ sâu và hoá chất độc hại có chứa POPs, cũng như tiêu huỷ các chất PCB và chất thải có chứa PCB. 
Tác hại của PCB - Ví dụ điển hình
Nhiễm độc PCB, Dioxin trong dầu ăn - Vụ án Kanemi
Báo Asahi ngày 13/4/2007 cho biết vấn đề phơi nhiễm dioxin qua vụ án Kanemi Shoko trải qua gần 40 năm nhưng hiện vẫn mang tính thời sự, là thử thách “nóng” đối với Chính phủ Nhật Bản trong việc đưa ra được một bức tranh tổng thể của độc tố dioxin đối với sức khỏe con người và xây dựng một chế độ cứu chữa hữu hiệu đối với những người đã và đang bị tổn thương do nhiễm độc
Độc tố trong dầu ăn
Kanemi Soko là nhà sản xuất dầu ăn chiết suất từ cám gạo nổi tiếng tại Nhật Bản, năm 1968 đã gây vụ ngộ độc hóa chất nghiêm trọng cho hơn 14.000 người trong đó 1.853 người là những nạn nhận bị phơi nhiễm PCB (Polychlorinated Biphenyls) rất nặng, gây các chứng bệnh mạn tính suốt đời và có thể di truyền sang thế hệ kế tiếp qua sữa mẹ theo điều tra vào năm 1986.
Báo Asahi ngày 10/10/1968 đưa tin nhiều gia đình ở vùng Fukuoka và Nagasaki mang các chứng bệnh kỳ quái tập thể như chân tay run rẩy, màu da nổi chàm... Ngày 15/10/1968, Cơ quan y tế thành phố Ogura ra lệnh đình chỉ việc bán dầu ăn của Kanemi và cấm công ty này sản xuất và kinh doanh dầu ăn từ cám gạo. 2 ngày sau, Đại học Kyushu lập đoàn điều tra “bệnh do dầu ăn” với sự tham dự của Trưởng bộ môn vệ sinh công cộng của tỉnh mặc dù đây là đoàn không phải do Chính phủ tổ chức, phủ nhận nguồn tin dầu này bị nhiễm arsenic.
Ngày 4/11/1968, qua 2 tuần, đoàn điều tra của Viện nghiên cứu vệ sinh tỉnh Kochi công bố dầu bị nhiễm hợp chất chlorine hữu cơ. Cùng ngày Tổ nghiên cứu chuyên môn của Đại học Kyushu chính thức xác nhận nguyên nhân các triệu chứng lạ ở người bệnh là do dầu ăn có hàm lượng PCB 2000-3000 ppm từ sản phẩm “Kaneclor 400” - một hóa chất có chứa PCB khi gia nhiệt -chiên xào tạo ra hợp chất PCDD độc hại. 
“Kaneclor 400” - là sản phẩm của Công ty hóa chất Kanegafuchi được sử dụng làm dung môi trong quy trình khử mùi dầu cám của Kanemi. Lô hàng này được sản xuất trước tháng 2/1968 và khả năng cao nhất gây ngộ độc cho người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ tháng 3-10/1968.
Mặc dù nguyên nhân nhiễm độc đã được làm sáng tỏ, nếu như các đoàn thanh - kiểm tra có trách nhiệm làm việc nghiêm túc thì sự việc đã được phát hiện trước đó 8 tháng và số người bị hại sẽ giảm thiểu rất nhiều. Sở dĩ 8 tháng trước là vì đây là thời kỳ bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc dầu ăn và cùng lúc đó xảy ra vụ gà bị nhiễm “dầu màu nâu” chết hàng loạt. Trong tháng 2 và 3 năm 1968 lượng gà nhiễm loại “dầu màu nâu” này bị chết hàng loạt, đã có 400.000 con có tỷ lệ lượng trứng sinh nở xuống thấp bất thường trong số 2 triệu con ở vùng Kyushu, Shikoku thuộc miền Nam nước này vì ăn thức ăn trộn dầu có hàm lượng PCB của Công ty Kanemi.
Sự kiện gia súc bị phơi nhiễm này đã bị lướt qua trong đợt kiểm tra chiếu lệ của nhân viên thú y của tỉnh cho đến khi dầu ăn của công ty này gây tai biến cho người tiêu dùng trong đó có hơn 100 người bị tử vong thì sự việc mới được lưu ý. Ngày 29/11/1968, thành phố Bắc Kyushu khởi tố Công ty Kanemi vi phạm Luật vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau đó, Viện Kiểm sát Fukuoka tiếp tục khởi tố Tổng giám đốc công ty và giám đốc phân xưởng sản xuất vì tội “thiếu trách nhiệm gây thương tích nghiêm trọng”. Mặt khác, việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cũng đã bị người dân truy cứu trách nhiệm, đòi hỏi phải có biện pháp thích đáng để giải quyết cho người bị hại.
                                                                                                                      Theo Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét